Binh lực và ý đồ tác chiến của các bên Chiến_dịch_Kharkov_(1941)

Trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 31 tháng 10, tương quan binh lực của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) và Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) như sau:[27]

Cụm tập đoàn quân Nam của Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Thống chế quân đội Đức Quốc xã Gerd von Rundstedt, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam
  • Tư lệnh: Thống chế Gerd von Rundstedt
  • Tập đoàn quân dã chiến 6 do Thống chế Walther von Reichenau chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 29 của tướng Hans von Obstfelder gồm các sư đoàn bộ binh 75, 168 và 299;
    • Quân đoàn bộ binh 51 của tướng Alfred-Hermann Reinhardt gồm các sư đoàn bộ binh 44 và 79;
    • Quân đoàn bộ binh 17 của tướng Werner Kienitz gồm các sư đoàn bộ binh 101, 239 và 294;
    • Quân đoàn bộ binh 55 của tướng Erwin Vierow gồm sư đoàn bộ binh 57 và sư đoàn bộ binh nhẹ 100
  • Tập đoàn quân dã chiến 17 do tướng Carl-Heinrich von Stülpnagel chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 11 của tướng Otto Wöhler gồm các sư đoàn bộ binh 68, 125 và 297;
    • Quân đoàn bộ binh 4 của tướng Viktor von Schwedler gồm các sư đoàn bộ binh 76, 94 và sư đoàn bộ binh nhẹ 97;
    • Quân đoàn bộ binh 52 của tướng Kurt von Briesen gồm các sư đoàn bộ binh 9 và 298;
    • Quân đoàn cơ giới Hungary gồm các lữ đoàn cơ giới 1 và 2;
    • Các sư đoàn bộ binh độc lập 257 và 295.[28]
  • Cánh Nam của tập đoàn quân xe tăng 2 do tướng Heinz Guderial chỉ huy thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm
    • Sư đoàn xe tăng 9
    • Sư đoàn cơ giới 25.[29]

Kế hoạch tác chiến

Thống chế quân đội Đức Quốc xã Walther von Reichenau, tư lệnh tập đoàn quân 6 đang xem xét kế hoạch tấn công, ngày 1 tháng 10 năm 1941

Theo Chỉ thị số 34 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Đức Quốc xã, Cụm tập đoàn quân Nam có nhiệm vụ đánh chiếm Krym, các vùng công nghiệp Kharkov, các mỏ than trong khi vực Donets và tuyến vận chuyển dầu hỏa từ Kavkaz.[30]. Chủ lực của tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân dã chiến 11 của quân đội Đức Quốc xã được tập trung cho một cuộc tấn công tại khu vực phía nam của Mặt trận theo hướng giao hội với các lực lượng cơ bản của tập đoàn quân 17 (Đức). Trong kế hoạch tác chiến dự định sử dụng các đòn đột kích hợp điểm trên toàn tuyến mặt trận từ khu vực Krasnograd đến eo đất Perekop nhằm bao vây và tiêu diệt lực lượng của Liên Xô trong khu vực Melitopol, sau đó, thừa thắng đánh chiếm Krym và Donbass.[31].

Tập đoàn quân 6 của Thống chế Walther von Reichenau được chỉ định tấn công theo hướng Sumy và Kharkov, sử dụng chiến thuật bao vây lòng chảo tương tự như trận Kiev để đánh bại cánh Bắc của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô). Tập đoàn quân 17 dành một phần lực lượng để hỗ trợ tập đoàn quân 6 tấn công tại phía nam Kharkov. Trong khi mở các cuộc tấn công trên chính diện, quân đội Đức muốn cố gắng chiếm giữ Kharkov thật nhanh để có thể nắm trong tay trung tâm công nghiệp lớn thứ ba tại Liên Xô. Ngoài ra, thời điểm khởi động tấn công của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) cũng được hoạch định đồng bộ với cánh Nam của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) khi cụm này mở cuộc tấn công mang mật danh "Typhoon" vào Moskva.

Phương diện quân Tây Nam Liên Xô

Binh lực

Tập tin:Semyon Konstantinovich Timoshenko (1895-1970), Soviet military commander.jpgNguyên soái Liên Xô S. K. Timoshenko, Tổng tư lệnh hướng Tây Nam kiêm tư lệnh Phương diện quân Tây Nam
  • Tư lệnh: Nguyên soái S. K. Timoshenko, đồng thời là Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam.
  • Tập đoàn quân 40 của trung tướng Kuzma Petrovich Podlas. Trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 3
    • Các sư đoàn bộ binh độc lập 227, 293; sư đoàn cơ giới cận vệ 1 và cụm kỵ binh cơ động.
  • Tập đoàn quân 21 của thượng tướng Yakov Timofeyevich Cherevichenko (từ ngày 5 tháng 10, thiếu tướng Vasili Nikolaievich Gordov chỉ huy tập đoàn quân này). Trong biên chế có:
    • Cụm kỵ binh cơ giới của tướng P. A. Belov gồm các sư đoàn kỵ binh 2, 5, 9 và lữ đoàn xe tăng 1.
    • Các đơn vị trực thuộc tập đoàn quân gồm sư đoàn bộ binh 295 và lữ đoàn xe tăng 127.
  • Tập đoàn quân 38 của thiếu tướng Victor Victorovich Tsyganov. Trong biên chế có:
    • Các sư đoàn sơn chiến 47 và 76;
    • Các sư đoàn bộ binh 169, 199, 300, 304;
    • Các lữ đoàn xe tăng 7, 10, 14 và 132;
    • Cụm quân đồn trú tại Kharkov gồm sư đoàn bộ binh 216, lữ đoàn bộ binh 257 của Bộ Nội vụ, trung đoàn dân quân Kharkov và các đội chống tăng đặc biệt.
  • Tập đoàn quân 6 của thiếu tướng R. Ya. Malinovsky, trong biên chế có:
    • Các sư đoàn bộ binh 255, 270 và 275;
    • Các sư đoàn 26 và 28;
    • Các lữ đoàn xe tăng 12 và 13.[2]

Kế hoạch tác chiến

Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam đã lên kế hoạch phòng thủ đồng bộ với Phương diện quân Nam và Phương diện quân Tây trên cơ sở mệnh lệnh số 002.374 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao để bảo vệ các khu công nghiệp Kharkov và Donbass.[32] Theo đó, tập đoàn quân 21 phải khóa chặt các cửa ngõ ra vào Kharkov từ xa. Tập đoàn quân 40 phòng thủ Sumy. Tập đoàn quân 6 được giao nhiệm vụ kiểm soát "chỗ lồi" tại khu vực Krasnograd. Tập đoàn quân 38, đơn vị có lực lượng mạnh nhất được giao nhiệm vụ phòng thủ chính diện Kharkov. Mục tiêu của Phương diện quân Tây Nam được đặt ra ở mức khiêm tốn là kìm giữ thật lâu và tiêu hao quân Đức trên tuyến phía trước Kharkov để có thể di tản toàn bộ khu công nghiệp này. Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô đang phải tập trung lực lượng để đối phó với các đòn đột kích rất mạnh của quân Đức tại khu vực Moskva nên không thể đưa thêm lực lượng dự bị chiến lược đến Phương diện quân Tây Nam.[33]

Với phán đoán về các hành động của đối phương trong khu vực còn lại của Ukraina căn cứ trên các kết quả trinh sát và so sánh về tỷ lệ binh lực, Bộ Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam cho rằng các đòn tấn công chính của quân Đức có nhiều khả năng sẽ được triển khai tại ba khu vực chủ yếu là Kharkov, Poltava và Krasnograd. Theo đó, các lực lượng dự bị chủ yếu cũng được bố trí tại các khu vực này.[34].

Quân đồn trú trong thành phố với sự tham gia của các cư dân địa phương đã chuẩn bị các vị trí phòng thủ. Ngày 16 tháng 9 năm 1941, Hội đồng quốc phòng Nhà nước Liên Xô phê duyệt kế hoạch di tản toàn bộ các nhà máy, xí nghiệp cùng toàn bộ cư dân thành phố Kharkov và khu vực phụ cận. Từ cuối tháng 9, quân đồn trú trong thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp đặc biệt để phá hủy các cơ sở khai thác, các hầm mỏ, các đường giao thông chiến lược và các thiết bị không thể tháo dỡ để đưa sang phía đông.[35].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Kharkov_(1941) http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=58 http://web.archive.org/20010317223742/railway.by.r... http://chtz-uraltrac.ru/articles/categories/24.php http://lib.ru/MEMUARY/STARINOW/soldat.txt http://militera.lib.ru/bio/karpov/25.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_11.html http://militera.lib.ru/memo/russian/grechko_aa2/02... http://militera.lib.ru/memo/russian/popel1/05.html http://militera.lib.ru/memo/russian/starinov_ig/31... http://www.silverwings.ru/sec9/pos508